Lượt xem: 634

Sóc Trăng duy trì tốt tốc độ tăng trưởng ngành tôm

Sau thời gian dài chịu tác động từ COVID-19, bước sang năm 2022, ngành tôm Sóc Trăng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn khi tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng cao, lạm phát toàn cầu gây khủng hoảng thị trường tiêu dùng... Nhờ sự chủ động từ các cấp, các ngành, đặc biệt là sự sáng tạo của doanh nghiệp và người nuôi trong việc linh động các giải pháp thích ứng, ngành tôm Sóc Trăng đã thành công vượt khó để giữ vững tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng tôm nuôi lẫn kim ngạch xuất khẩu.

 


Sản lượng tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng tăng 11% so với năm 2021 

 

    Nếu như giai đoạn đầu vụ, tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi, thì từ tháng 4 trở đi, diễn biến bất lợi từ yếu tố thời tiết, như: Độ mặn thấp, mưa nhiều và liên tục... đã khiến nhiều diện tích ghi nhận tình trạng thiệt hại do tôm mắc phải một số bệnh, như: Hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng và bệnh phân trắng. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 458, thành lập tổ giám sát, quản lý dịch bệnh trong vụ nuôi tôm năm 2022 nhằm theo dõi, cập nhập tiến độ đã nuôi và diễn biến tình hình dịch bệnh để thông tin kịp thời đến hộ nuôi. Các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề với nội dung phong phú, phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của tôm cũng đã được duy trì tổ chức tại các vùng nuôi trọng điểm. Bên cạnh đó, ngành còn thông tin về giá cả thị trường, quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh kịp thời đến từng vùng nuôi. Nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh tuy không có sự phát triển mạnh về diện tích, nhưng đã có sự cải tiến vượt trội về những mô hình nuôi cải tiến, nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao để vừa quản lý tốt rủi ro dịch bệnh, vừa nuôi tôm về size lớn để đạt lợi nhuận kinh tế cao hơn. Các hợp tác xã nuôi tôm không chỉ làm tốt trong vấn đề kết nối đầu ra, mà đầu vào cũng được hợp tác xã phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp giống, đại lý kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường để giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị lợi nhuận. Giám đốc HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu - Ngô Thanh Tuấn phấn khởi cho biết: “Trong năm 2022, độ mặn thấp nên nghề nuôi tôm nước lợ cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời từ Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi Thú y, các đơn vị thường xuyên tổ chức xuống thăm vùng nuôi và lấy mẫu về kiểm tra. Cùng với đó, thành viên trong HTX đã mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi từ ao đất sang nuôi tôm ao lót bạt đáy. Nhờ vậy năm nay sản lượng tôm của hợp tác xã đạt cao hơn năm 2021 khoảng 30 tấn”.

    Con tôm từ vùng nuôi thực hành tốt tiêu chuẩn VietGAP, ASC đã cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cho nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu. Nhờ vậy, không chỉ khởi sắc trong lĩnh vực nuôi, lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh Sóc Trăng cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Sự tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm sau khi COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát tốt, nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng từ đầu tháng 9 khi nhiều đơn hàng xuất khẩu bị gián đoạn... Tất cả như một “phép thử” để các doanh nghiệp nhạy bén hơn trong xây dựng phương án sản xuất, khi hình thành được những sản phẩm chế biến sâu, tiếp cận đa dạng nhiều phân khúc khác nhau trên thị trường, quan trọng là vượt qua được sức ép trước sự tấn công của tôm giá rẻ từ thị trường Ecuador. Nhờ vậy, năm thứ hai liên tiếp, con tôm tiếp tục đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành thủy sản Sóc Trăng trong năm 2022.

    Có thể thấy, với sự triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực rất lớn từ phía người nuôi và doanh nghiệp, năm 2022, Sóc Trăng duy trì tốt tốc độ tăng trưởng ngành tôm với sản lượng tôm nuôi đạt 201.000 tấn (cao hơn 11% so với năm 2021), thiệt hại trên tôm tiếp tục được khống chế dưới 2 con số, giảm khoảng 0,6% so với năm trước. Trong năm 2023, ngành tôm Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi 51.000 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 205.335 tấn. Các chỉ tiêu này nhìn chung không lớn so với tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Dù vậy, “tiềm năng lớn, thách thức nhiều” là nhận định chung của cả hộ nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh. Bởi sang năm 2023, bên cạnh những rủi ro khó có thể lường trước của yếu tố thời tiết làm phát sinh dịch trên tôm, thì sức tiêu thụ mặt hàng tôm tại nhiều nước nhập khẩu nhiều khả năng cũng sẽ bị chững lại do tình hình lạm phát toàn cầu vẫn còn kéo dài. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam) - Hồ Quốc Lực nhận định: “Trong bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp cần phải đưa ra các phương án đối phó mang tính chất uyển chuyển hơn. Không chỉ có 1 hoặc 2 phương án mà cần dự phòng nhiều phương án để ứng xử theo nhiều tình huống khác nhau. Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh chung, khó khăn đối với ngành tôm có thể dồn đến bất cứ lúc nào, mà không hề có dấu hiệu báo trước. Chúng ta cũng cần tránh né thế mạnh của đối thủ, nên tìm thị phần sản phẩm phù hợp với thế mạnh của tôm Việt Nam. Cũng cần lưu ý trong bối cảnh cả thế giới đang trong giai đoạn suy thoái lạm phát, thì tình trạng phá sản có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nên các doanh nghiệp tốt nhất nên bán hàng vào các kênh, các đối tác có khả năng thanh toán nhanh và tốt. Thêm một giải pháp mang tính khách quan là cần làm sao để giảm giá thành tôm nuôi nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới”.


Con tôm đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng 

 

    Tuy nhiên, cần nhận định rõ rằng, con tôm Sóc Trăng vẫn có những ưu thế riêng khi đã chiếm gần hết phân khúc tôm cao cấp tại những thị trường lớn trên thế giới, cùng với đó là những thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước, như: EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, là sự quan tâm từ các cấp dành cho các cơ sở trong chuỗi giá trị ngành tôm. Trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, tỉnh Sóc Trăng cũng đã có sự chủ động xây dựng những “sách lược” phù hợp hơn để duy trì tốt chuỗi ngành hàng từ khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu. Đồng chí Vương Quốc Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Đối với tỉnh Sóc Trăng cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo sự phát triển đồng bộ cho việc quy hoạch vùng nuôi. Chúng ta sẽ không mở rộng diện tích mà thay vào đó là ổn định diện tích và tập trung vào việc nâng cao chất lượng và gia tăng sản lượng nguồn tôm nguyên liệu thông qua việc nhân rộng các mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Chúng tôi cũng huy động sự tham gia từ các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để hộ nuôi đầu tư, chuyển đổi mô hình. Điều quan trọng và cần thiết để ngành tôm của Sóc Trăng phát triển là đầu tư thêm hệ thống nhà máy chế biến để khai thác tốt hơn giá trị gia tăng thông qua những sản phẩm được chế biến từ con tôm”.

    Vượt qua những thách thức, khó khăn thì vụ nuôi tôm năm 2022 là một vụ cơ bản thành công về kế hoạch diện tích và sản lượng. Thành công trong vụ nuôi năm nay còn là "lực đẩy" quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh đạt 311.428 tấn mà Đề án Phát triển tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 đã đề ra. Với đà tăng trưởng lý tưởng này, ngành tôm Sóc Trăng hoàn toàn có quyền tin tưởng sẽ trở thành vùng nuôi trọng điểm trong khu vực và trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu tôm dẫn đầu cả nước trong thời gian không xa. Khi đó con tôm Sóc Trăng sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh nhà.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 115
  • Hôm nay: 7993
  • Trong tuần: 75,313
  • Tất cả: 11,859,502